05-27
Công an điều tra mỹ phẩm Đoàn Di Băng quảng cáo 'có dấu hiệu giả'
2025-05-27
HaiPress
Thông tin trên được đưa ra sau khi Công an Đồng Nai,VKSND cùng cấp,Sở Y tế... họp khẩn về vụ mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành (kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body và dầu gội Hanayuki Shampoo) do công ty của chồng Đoàn Di Băng phân phối,sáng 27/5.
Sở Y tế đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai để khởi tố vụ án,điều tra theo thẩm quyền.
Sở Y tế kiểm tra Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai liên quan các sản phẩm mà Đoàn Di Băng quảng cáo,ngày 20/5. Ảnh: Thái Hà
Báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai về 2 sản phẩm của Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai,Sở Y tế cho biết,trong sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body có dấu hiệu sản xuất hàng giả khi chỉ số chống nắng ghi trên nhãn SPF 50 không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng của mẫu thử SPF 2,4 (dưới 70% công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn).
Theo đoàn kiểm tra,công ty đã xuất xưởng 1.652 hộp với 163.548.000 đồng,đang thu hồi sản phẩm trên thị trường.
Về sản phầm dầu gội Hanayuki Shampoo không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật (kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM là 470.000 cfu/g; mức chất lượng quy định tại Phụ lục 06,Thông tư 06/2011/TT-BYT không quá 1.000 cfu/g). Với vi phạm này,Sở Y tế lập biên bản vi phạm hành chính,xử phạt theo quy định.
Đây là hai sản phẩm do ca sĩ Đoàn Di Băng quảng cáo đã bị thu hồi trong hơn 10 ngày qua.
Trước đó,hôm 23/5,Sở Y tế Đồng Nai có văn bản gửi Cục Quản lý Dược - đề nghị điều chỉnh nội dung báo cáo vụ thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm của doanh nghiệp trên,từ "Đoàn kiểm tra nhận thấy vụ việc không có dấu hiệu hình sự" thành "Đoàn kiểm tra nhận thấy vụ việc chưa phát hiện sai phạm phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra".
Cặp dầu gội,dầu xả Hanayuki được Đoàn Di Băng quảng cáo. Ảnh: Chụp màn hình
Đoàn Di Băng 36 tuổi,từng là ca sĩ,diễn viên,sau đó kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Gần đây,cô liên tục vướng ồn ào liên quan quảng cáo,trong đó gây tranh luận hơn cả là lời giới thiệu "một viên bằng 5 kg rau củ".
Nữ ca sĩ từng quảng cáo cặp sản phẩm dầu gội dầu xả trên bán chạy của VB Group,"là niềm tự hào của gia tộc Hanayuki". Công ty VB Group là pháp nhân đứng sau thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki. Ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng của Đoàn Di Băng - là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc công ty này.
Những tháng qua,cơ quan chức năng liên tục phát hiện sữa giả,thuốc giả,thực phẩm bảo vệ sức khỏe,mỹ phẩm kém chất lượng. Nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam gần đây bị lên án vì quảng cáo sai sự thật,thổi phồng công dụng nhiều sản phẩm sữa,thực phẩm chức năng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh,truy quét buôn lậu,gian lận thương mại,hàng giả,không rõ xuất xứ,vi phạm bản quyền,sở hữu trí tuệ,xuất xứ hàng hóa.
Ngày 22/5,Bộ Y tế lập 15 tổ kiểm tra đột xuất dược phẩm,mỹ phẩm,y dược cổ truyền,sữa,thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế.
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị Định 98/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại,sản xuất,buôn bán hàng giả,hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng),hàng giả bao gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng,công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên,tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng,công dụng hoặc có giá trị sử dụng,công dụng không đúng so với giá trị sử dụng,công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng,công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký,công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn,bao bì hàng hóa.
- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của luật này.
- Thuốc thú y,thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn,bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký,công bố áp dụng;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên,địa chỉ tổ chức,cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu,phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành,mã số công bố,mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức,cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc,xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất,đóng gói,lắp ráp hàng hóa;
- Tem,nhãn,bao bì hàng hóa giả.
Phước Tuấn