01-21
Hàng quán tại Anh vắng tanh từ đầu năm
2025-01-21 HaiPress
"Tôi làm việc trong ngành dịch vụ từ năm 15 tuổi và có lẽ đây là tháng một vắng khách nhất tôi từng biết",Willow Gwyn-Williams,23 tuổi,quản lý một nhà hàng ở thành phố Chelmsford,Anh nói. Willow cho rằng khủng hoảng chi phí sinh hoạt,kinh tế ảm đạm là nguyên nhân khiến lượng đặt chỗ tại quán giảm mạnh. Mọi người không có tiền để ăn ngoài hay làm bất kỳ điều gì,cũng theo Willow.
Bàn ghế trống là nỗi sợ của những người làm trong ngành dịch vụ nhà hàng,khách sạn. Ảnh: Mca-insight
Video về các quán bar,nhà hàng vắng tanh một cách kỳ lạ cùng hashtag "tháng 1 của ngành dịch vụ" đang là xu hướng trên TikTok. Trong video,các nhân viên tìm mọi cách để khiến mình bận rộn dù không có khách như ngồi tập vẽ nghệ thuật trên cà phê latte hay lau cốc,chén cho sáng bóng. Nhiều video nhận được hàng chục nghìn lượt thích và bình luận.
Vắng khách đồng nghĩa với nhân viên phục vụ có ít giờ làm việc hơn,đặc biệt với những người làm bán thời gian. "Chúng tôi thiếu khách nên không cần thêm người phục vụ",Willow nói. Cô và các đồng nghiệp trong ngành đều thừa nhận với nhau họ đã có một tháng khởi đầu năm đáng buồn.
Video
Một nhà hàng vắng khách trong tháng 1. Video: The auctioneer inve/TikTok
Nhiều người cho rằng sau thời gian ăn chơi bận rộn dịp Giáng sinh và năm mới,phần còn lại của tháng một hàng năm đều là mùa thấp điểm du lịch,vắng khách là hiển nhiên. Dù vậy,nhiều người trong ngành lo ngại xu hướng quán vắng tanh này sẽ tiếp tục lan sang các tháng khác trong năm nay.
Kate Nicholls,CEO UK Hospitality,một cơ quan thương mại dịch vụ của Anh,cho biết khoảng 80% doanh nghiệp trong ngành tại đất nước dự kiến cắt giảm biên chế,số khác phải đóng cửa. Louise Maclean,CEO của Signature Group,công ty sở hữu hơn 20 quán bar,nhà hàng và hộp đêm tại Scotland cho biết cụm người trong ngành dịch vụ dùng để miêu tả trong năm nay là "sống sót qua năm 2025".
Sonia Johnson,chủ một tiệm bánh tại Warrington cho biết mức lương tối thiểu của người lao động đã được chính phủ phê duyệt và tăng hơn 6% sau 1/4 sẽ khiến quán của cô tăng chi phí trả tiền cho nhân viên. Bên cạnh đó,các nhà cung cấp cho biết sẽ tăng giá trong những tháng tới,chi phí để điều hành quán đội lên nhiều.
Các mặt hàng xa xỉ như phô mai thủ công tại quán không bán chạy dịp Giáng sinh hay năm mới,do mọi người đều thắt chặt hầu bao. Nhưng Johnson không còn cách nào khác ngoài tăng giá bán vì cô cũng cần tiền trang trải chi phí phát sinh.
"Lo lắng" là từ được nhiều chủ nhà hàng,khách sạn tại Anh dùng nhiều nhất hiện tại. Mohammed Sarnwal mở nhà hàng The Farmhouse ở thành phố Coventry năm 2008,chuyên dùng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương. Sau 1/4,khi chính sách tăng lương cho người lao động có hiệu lực,chi phí vận hành quán sẽ tăng thêm và ông buộc phải tăng giá thành để tồn tại. "Thật đáng lo ngại,tôi chưa gặp tình huống nào thế này trong 18 năm làm trong ngành dịch vụ",Mohammed nói.
Ông chủ Mohammed Sarnwal lo lắng vì nhà hàng vắng khách trong năm nay. Ảnh: BBC
Bên cạnh hình ảnh những chiếc bàn trống,các tấm bảng đen ghi thực đơn và email thông báo giảm giá là những dấu hiệu cho thấy nhiều nhà hàng đã tuyệt vọng thế nào trong việc thu hút khách đến. Maria Vanifatova,nhà nghiên cứu thị trường của công ty Meaningful Vision cho biết mức chiết khấu đã tăng 25% vào năm 2024 và năm 2025,tỷ lệ giảm giá còn cao hơn. Nhiều nơi đã giảm giá tới 35% để hút khách. Dù vậy,theo một cuộc khảo sát từ công ty Deloitte vào tháng 1,người tiêu dùng đang có kế hoạch chi tiêu ít hơn.
Anh Minh (Theo BBC)