01-14
Hàn Quốc bất đồng về phương án đột kích 'pháo đài' của ông Yoon
2025-01-09 IDOPRESS
Nghị sĩ Youn Kun-young thuộc phe đối lập ở Hàn Quốc ngày 8/1 nói rằng dinh thự của Tổng thống Yoon Suk-yeol tại khu Hannam-dong "đã trở thành một pháo đài",cáo buộc đây là nỗ lực nhằm chuẩn bị đối phó đợt thực thi lệnh bắt tiếp theo nhằm vào ông Yoon.
Hình ảnh được truyền thông Hàn Quốc công bố trước đó cho thấy hàng loạt xe buýt đậu quanh cổng chính vào khu dinh thự,tạo thành hàng rào ngăn cản mọi xe cơ giới và người tiến vào trong. Lực lượng cận vệ tổng thống cũng rải nhiều hàng rào thép gai và buộc xích quanh các cánh cổng sắt,dường như để ngăn nhóm điều tra tiếp cận dinh thự.
Điều này dẫn tới những bất đồng trong nội bộ cảnh sát Hàn Quốc,lực lượng được giao nhiệm vụ thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon,cũng như giới chuyên gia về phương án tiếp cận khu nhà bên trong.
Cổng sắt buộc dây xích và rào thép gai ở dinh thự Tổng thống Hàn Quốc tại Seoul ngày 8/1. Ảnh: Yonhap
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một số sĩ quan cảnh sát kêu gọi lập tức thực thi lệnh bắt và "thể hiện quyết tâm điều tra". Họ cảnh báo rằng thời gian chờ đợi kéo dài sẽ cho phép những bên phản đối lệnh bắt,trong đó có Cơ quan An ninh Tổng thống Hàn Quốc (PSS),chuẩn bị phương án đối phó chặt chẽ hơn.
Lee Ji-eun,cựu chánh thanh tra cảnh sát và hiện là chủ tịch ủy ban quận Mapo-gap của đảng Dân chủ đối lập,đề xuất mở chiến dịch hiệp đồng kết hợp giữa Đơn vị Quân cảnh số 33,Lữ đoàn An ninh số 55 của quân đội với lực lượng cảnh sát đặc nhiệm và chống bạo động.
"Sau khi dỡ rào chắn bằng xe chuyên dụng,lực lượng đặc nhiệm có thể dùng hai đến ba thiết giáp ủi văng phần còn lại,mở đường cho xe buýt chở cảnh sát chống bạo động tiến vào. Chúng ta cần xé toạc hàng rào an ninh,tịch thu bộ đàm và vũ khí của cận vệ rồi đưa họ về phòng giam tại các đồn cảnh sát",ông nêu quan điểm.
Tuy nhiên,nhiều người nhấn mạnh rằng cần dành thời gian xây dựng kế hoạch tác chiến hoàn chỉnh và chi tiết,nhằm bảo đảm có thể thực hiện lệnh bắt trong một lần xuất quân duy nhất.
Min Gwan-ki,cựu chủ tịch Công đoàn Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc,đề xuất giới chức triển khai chiến dịch kéo dài 4 ngày 3 đêm để bắt ông Yoon.
"Chúng ta có thể chậm rãi thi hành lệnh bắt,khống chế 10-20 người mỗi lần để làm suy yếu phòng tuyến lực lượng cận vệ. Nếu các sĩ quan cảnh sát đối đầu với cận vệ tại tuyến phòng thủ đầu tiên,lực lượng đặc nhiệm có thể dùng trực thăng hoặc phương tiện khác để vượt qua các tuyến sau",ông nói.
Dinh thự của Tổng thống Yoon Suk-yeol ở thủ đô Seoul ngày 7/1. Ảnh: Yonhap
Giải pháp vô hiệu hóa ban lãnh đạo PSS rồi thực thi lệnh bắt ông Yoon cũng được đề cập.
Giám đốc PSS Park Chong-jun và cấp phó Kim Seong-hoon đã hai lần không tuân theo yêu cầu đến trình diện để thẩm vấn của cảnh sát. Nếu ông Park không có mặt vào ngày 10/1 theo yêu cầu trình diện lần ba,giới chức Hàn Quốc có thể phát lệnh bắt lãnh đạo PSS.
Điều này khiến nhiều người nhận định khả năng lực lượng cận vệ tổng thống bị suy yếu,không thể cản trở các nhà điều tra nếu giới chức Hàn Quốc đồng thời ban hành lệnh bắt lãnh đạo PSS và thực hiện lệnh bắt Tổng thống Yoon.
Do các đơn vị cận vệ và quân đội bảo vệ dinh thự đều có vũ khí,một số sĩ quan cảnh sát đã đề xuất huy động cảnh sát chống bạo động,đặc nhiệm,thiết giáp và trực thăng để phá vỡ phòng tuyến.
Tuy nhiên,cảnh sát Hàn Quốc nhận định triển khai đặc nhiệm đột kích dinh thự không phải giải pháp toàn diện do nguy cơ dẫn đến đổ máu quy mô lớn,tạo ra tình huống xung đột chưa từng có giữa các cơ quan nhà nước và khiến tình hình trở nên mất kiểm soát.
"Chúng tôi không loại trừ hoàn toàn khả năng sử dụng cảnh sát đặc nhiệm,nhưng không ưu tiên điều động họ",một quan chức cho biết.
Nhiều sĩ quan cảnh sát cũng kêu gọi chọn phương án giúp giảm thiểu nguy cơ đụng độ,thay vì chỉ nhắm tới mục tiêu bắt được ông Yoon.
"Thay vì triển khai các đơn vị chống bạo động,nên điều sĩ quan mang súng điện,còng tay,dùi cui và áo chống đạn,sử dụng thang để vượt qua thay vì dùng xe chuyên dụng phá hàng rào. Sẽ cần 4-6 người để vô hiệu hóa một cận vệ,cần triển khai lực lượng đông hơn họ ít nhất hai lần",một người nói.
Người ủng hộ Tổng thống Yoon cũng là yếu tố có thể ảnh hưởng tới thực hiện lệnh bắt. Khoảng 40 nghị sĩ thuộc đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của ông Yoon gần đây đã tới dinh thự,buộc cảnh sát Hàn Quốc tìm thêm biện pháp đối phó trong trường hợp các nghị sĩ cùng người ủng hộ ông Yoon chặn đường.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tránh đổ máu và các sự cố có thể xảy ra. Không thể để mọi người bị thương,song chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để thực hiện lệnh bắt",một quan chức cảnh sát Hàn Quốc tuyên bố.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok ngày 8/1 cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tránh để xảy ra đụng độ trong khi thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon,cũng như không để xảy ra các "sự cố đáng tiếc".
Xe buýt chắn cổng chính dinh thự Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul ngày 8/1. Ảnh: Yonhap
Giáo sư Lee Yoon-ho thuộc khoa Quản trị Cảnh sát của Đại học Dongguk đề xuất trì hoãn thi hành lệnh bắt. Ông giải thích rằng giới chức Hàn Quốc có thể bắt được Tổng thống Yoon,song dư luận sẽ phản đối động thái này nếu có nguy cơ xảy ra đụng độ.
"Chìa khóa vẫn là hoạt động luận tội. Nếu Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc phê chuẩn quyết định luận tội ông Yoon,phát lệnh bắt và mở cuộc điều tra,lực lượng PSS sẽ không có lý do để phản kháng mạnh như hiện nay",giáo sư Lee cho hay.
20 điều tra viên và 80 cảnh sát ngày 3/1 đến dinh thự Tổng thống Hàn Quốc để thực thi lệnh bắt ông Yoon. PSS đã điều hơn 10 phương tiện và khoảng 200 đặc vụ chặn đường,phối hợp với đơn vị quân đội bảo vệ dinh thự để lập rào cản,ngăn nhóm điều tra tiến vào trong.
Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với Quan chức cấp cao (CIO) sau đó thông báo hoãn thực thi lệnh bắt ông Yoon,cho biết quyết định này nhằm hạ nhiệt tình hình thực địa và đảm bảo an toàn cho nhân viên.
PSS tuyên bố sẽ tiếp tục kháng lệnh bắt ông Yoon,cáo buộc các điều tra viên xâm nhập trái phép dinh thự và thực thi lệnh bất hợp pháp nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo Yonhap,AFP,AP)