01-21
Cẩn trọng bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
2025-01-08 IDOPRESS
Bệnh nhi quê Hưng Yên,đến khám và tham gia chương trình quản lý cận thị tại Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội (Hitec) hôm 7/1. Bé tiền sử sinh non khi mới được 26 tuần tuổi với trọng lượng 1.000 gram. Kết quả khám cho thấy mắt của trẻ vừa cận và loạn chỉ đạt 1-2/10,võng mạc không còn nguyên vẹn vì đã được laser nên để lại rất nhiều nốt sẹo.
"Đây là một trường hợp trẻ sinh rất non,đã mắc bệnh võng mạc sinh non kèm theo cận thị rất nặng",ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc,Trưởng khoa Khúc xạ,người khám cho trẻ,nói. Trẻ cần thực hiện một loạt các khám nghiệm chuyên sâu về khúc xạ và cho thử một loại kính đặc biệt dành cho mắt cận thị bệnh lý nặng.
Trẻ được kiểm tra thị lực tại trường học. Ảnh: Bích Phạm
Bệnh võng mạc sinh non (ROP) xảy ra khi mạch máu võng mạc phát triển bất thường ở trẻ dưới 1.500 gram hoặc sinh trước tuần 31. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ sinh càng non và nhẹ cân: 83% ở thai dưới 28 tuần,30% ở thai trên 31 tuần.
Bình thường,mạch máu võng mạc phát triển từ tuần 16 thai kỳ đến vài tuần sau sinh. Trẻ sinh non có thể bị ngừng hoặc phát triển bất thường mạch máu,dẫn đến xuất huyết,sẹo xơ và bong võng mạc,gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa.
Trẻ sinh từ 28-30 tuần thường mắc thể nhẹ (90%),có thể tự khỏi. Tuy nhiên,cần khám định kỳ để phát hiện biến chứng như cận thị,nhược thị,lác. Thể nặng cần điều trị sớm để tránh mù vĩnh viễn.
Bác sĩ khuyến cáo khám sàng lọc cho trẻ sinh non dưới 2.500 gram từ 3-4 tuần tuổi và tái khám đều đặn đến 40-42 tuần. Mới đây,Bộ Y tế vừa ban hành danh mục 62 bệnh hiếm,bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện,người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng bảo hiểm y tế. Danh mục có bệnh lý võng mạc của trẻ đẻ non. Như vậy,cha mẹ đưa con đi khám sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi của BHYT.
ThS.BS. Nguyễn Thị Minh Ngọc soi đáy mắt cho trẻ. Ảnh: Bích Phạm
Lê Nga