01-22
Tuyển người đi xuất khẩu lao động Nhật ngày càng khó
2024-12-18 HaiPress
"Trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiện nay là tuyển chọn nguồn. Hầu hết doanh nghiệp báo cáo đều rất khó khăn",Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nói tại tọa đàm Nâng cao chất lượng,hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài do báo Người lao động tổ chức,sáng 18/12.
Theo ông Hoan,điều này trái ngược với trước đây khi thách thức của doanh nghiệp là kiếm hợp đồng với đối tác nước ngoài,còn bây giờ hợp đồng nhiều nhưng kiếm người rất khó. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn khi thực hiện cam kết với đối tác nước ngoài. Cơ quan quản lý ghi nhận sự giảm sút số lượng lao động đưa đi ở nhiều doanh nghiệp lớn,xếp hàng đầu và có thâm niên trong ngành.
Thứ trưởng Lao động,Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tại tọa đàm,sáng 18/12. Ảnh: Hoàng Triều
Lãnh đạo Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội cho biết vừa có chuyến công tác ở Nhật,các nghiệp đoàn nước này thông tin nhu cầu tuyển dụng ở Nhật rất lớn. Họ sang gặp doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Việt Nam để hợp tác,tuyển người,song nhiều đơn hàng không đáp ứng được tiến độ đưa lao động sang làm việc. Do đó,nhiều doanh nghiệp Nhật phải chuyển hướng tuyển lao động ở Philippines,Malaysia,Indonesia.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Việt Nam hàng chục năm qua,chiếm khoảng 50% tổng số lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài,tương đương 350.000 người (tính đến tháng 7). Việt Nam cũng đứng đầu trong số 15 nước đưa thực tập sinh,lao động sang Nhật làm việc.
Tuy nhiên,nhiều năm trở lại đây,thị trường này có dấu hiệu giảm sức hút do những biến động của nền kinh tế Nhật,đồng yen giảm mạnh,cùng lúc Việt Nam mở rộng hợp tác với nhiều thị trường mới. Điều này giúp người lao động có thêm nhiều lựa chọn khác ngoài Nhật.
Ông Phạm Viết Hương,Phó cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội),cho biết không chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới. Trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao,vấn đề hợp tác lao động đều được đặt ra. Hiện,Việt Nam đã thỏa thuận và dự kiến ký kết đưa lao động sang làm việc ở một số nước như: Đức,Hy Lạp,Phần Lan,Ba Lan và một số quốc gia Bắc Âu.
Lao động Việt Nam làm việc trong nhà máy ở Nhật Bản. Ảnh: An Phương
Phía doanh nghiệp cũng chủ động khai thác các thị trường mới như Pháp,Đan Mạch,Tây Ban Nha. Theo ông Hương,các doanh nghiệp không chờ chính phủ hai nước có thỏa thuận hợp tác mới đưa đi mà rất chủ động trong tìm kiếm đối tác. Điều này,giúp mở ra nhiều cơ hội,lựa chọn mới cho lao động với tiền lương,chế độ,phúc lợi tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng trong bối cảnh thị trường mới vẫn đang ở những bước thử nghiệm,tiềm năng,trước mắt cần khắc phục những khó khăn của thị trường truyền thống là Nhật Bản. Hai bên có sự hợp tác lâu dài,tương đồng về văn hóa và Nhật Bản cũng đã tăng cường nhiều chính sách phúc lợi cho lao động.
Bà Dương Thị Thu Cúc,Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Quốc Tế Sài Gòn (Saigon Intergco),nói rằng doanh nghiệp không bất chấp để đưa lao động đi bằng mọi giá để đạt được số lượng mà chú trọng vào chất lượng. "Nghiệp đoàn Nhật muốn tuyển người nhưng tiền lương,phúc lợi,công việc không ổn là chúng tôi từ chối",bà Cúc nói.
Hơn 25 năm làm trong ngành này,bà Cúc nói doanh nghiệp tự tin lựa chọn đối tác và đặt ra các yêu cầu ngược lại cho phía Nhật,đảm bảo quyền lợi cho lao động. Các vị trí tuyển dụng có lương,phúc lợi tốt sẽ giúp doanh nghiệp dễ tuyển được người. Ngược lại,Saigon Intergco cũng phải đảm bảo đưa sang Nhật những lao động chất lượng cả về ngôn ngữ lẫn kỹ năng.
Bà Dương Thị Thu Cúc,Tổng giám đốc Saigon Intergco,chia sẻ tại tọa đàm,sáng 18/12. Ảnh: Hoàng Triều
Theo bà Cúc,khi doanh nghiệp tự tin về mình và chất lượng nguồn nhân lực sẽ thuận lợi trong thương lượng về tiền lương,phúc lợi cho lao động. Ví dụ,khi đồng yen xuống thấp,bà đề nghị doanh nghiệp phải tăng lương tối thiểu từ 15 man lên 18-19 man,nếu không phải giảm,miễn tiền ăn,ở. Lao động đạt được trình độ tiếng Nhật N3,N4 phải được thưởng 4-5 man. Khi sang Nhật,lao động tiếp tục cải thiện tiếng,thi đỗ lên trình độ cao hơn phải được tăng lương...
Tương tự,ông Nguyễn Đức Nam,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (Sona),cho rằng doanh nghiệp cần đặt mục tiêu quyền lợi của lao động lên hàng đầu để thu hút được người.
"Thu nhập lao động phải tốt nhất cũng là mục tiêu hoạt động của công ty",ông Nam nói. Do đó,khi đi đàm phán với các đối tác nước ngoài,công ty luôn đặt mức tối thiểu mỗi tháng phải 1.000-1.200 USD. Bên cạnh kỹ năng nghề,doanh nghiệp cũng chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho lao động. Điều này giúp lao động giao tiếp được với đồng nghiệp,với quản lý,chủ.
Đến nay,cả nước có gần 500 doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề,gửi về khoảng 3,5-4 tỷ USD mỗi năm.
Lê Tuyết