01-22
Tương lai bất định của lực lượng Nga đồn trú ở Syria
2024-12-10 HaiPress
Tổ chức vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ngày 8/12 tuyên bố đã chiếm thủ đô Damascus của Syria,kết thúc hơn 50 năm cầm quyền của gia tộc Assad tại quốc gia Trung Đông.
Nga,đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad,cho biết ông đã từ chức và rời Syria sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Điện Kremlin xác nhận ông Assad và gia đình đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin cấp quyền tị nạn ở nước này.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 8/12 nói rằng các căn cứ quân sự của nước này ở Syria đang được đặt trong tình trạng báo động cao,nhưng hiện không có mối đe dọa nghiêm trọng nào. Tuy nhiên,sự sụp đổ của chính quyền Assad đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa chính trị ở khu vực Trung Đông và đặt dấu hỏi lớn về tương lai của lực lượng Nga đồn trú tại Syria.
Nga năm 2015 đã mở chiến dịch can thiệp ở Syria,ném bom dữ dội và các mục tiêu phiến quân,chuyển giao vũ khí và các nguồn lực quan trọng giúp củng cố quân đội Syria. Sự giúp đỡ của Nga,Iran và nhóm Hezbollah giúp quân đội Syria đảo ngược tình thế,giành lại kiểm soát phần lớn đất nước và đẩy phiến quân lùi về một khu vực nhỏ ở biên giới phía bắc.
Nga sau đó rút bớt lực lượng khỏi Syria,chỉ để lại các đơn vị đồn trú tại căn cứ không quân Hmeymim và quân cảng Tartus,biến Syria thành điểm trung chuyển quan trọng cho các hoạt động quân sự của Moskva ở Trung Đông và châu Phi.
Vị trí căn cứ hải quân và không quân của Nga tại Syria. Đồ họa: BBC
"Nga sử dụng các căn cứ ở Syria nhằm thể hiện sức mạnh ở đông Địa Trung Hải nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung",Phillip Smyth,chuyên gia về Trung Đông,nhận xét.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs chụp căn cứ hải quân Tartus tại tỉnh cùng tên ở miền tây Syria cho thấy các chiến hạm Nga đã rời khỏi quân cảng ở đây sau khi quân nổi dậy tiến vào kiểm soát thủ đô Damascus. Một số trang tình báo nguồn mở cho biết các chiến hạm và tàu hải quân Nga đang di chuyển ở khu vực ngoài khơi bờ biển Syria.
Aaron Zelin,nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Washington ở Mỹ,cho rằng việc để mất quân cảng Tartus sẽ là "thất bại nghiêm trọng" đối với Nga,do đây là cảng nước ấm duy nhất có lực lượng Nga đồn trú bên ngoài lãnh thổ các quốc gia từng thuộc Liên Xô. "Đánh mất nó đồng nghĩa Moskva không còn ảnh hưởng lớn tại Trung Đông",ông nhận định.
Căn cứ hải quân Tartus,Syria trong ảnh chụp ngày 9 và 6/12. Ảnh: Planet Labs
Thủ tướng Mohammed al-Jalali,người lãnh đạo các cơ quan công quyền Syria cho đến khi hoàn thành chuyển giao quyền lực,cho biết vấn đề hiện diện quân sự của Nga tại nước này sẽ do chính quyền mới quyết định.
Trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 6/12,thủ lĩnh HTS Ahmed Hussein al-Shara bày tỏ mong muốn các lực lượng nước ngoài,trong đó có Nga,sẽ rời khỏi Syria. "Tôi nghĩ vấn đề sẽ được giải quyết một khi chính quyền Assad sụp đổ và lực lượng nước ngoài không còn phải hiện diện tại Syria",ông al-Shara nói.
Bộ Quốc phòng Nga chưa thông báo về thay đổi liên quan đến hiện diện quân sự của nước này tại Syria sau khi chính quyền tổng thống Assad sụp đổ. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 9/12 khẳng định còn quá sớm để thảo luận về lực lượng Nga tại Syria.
Rybar,tài khoản Telegram thân cận với Bộ Quốc phòng Nga và có hơn 1,3 triệu người theo dõi,cho biết tình hình các căn cứ tại Syria "rất đáng lo ngại",bất kể thông điệp chính thức do Moskva đưa ra là gì. "Hiện diện quân sự của Nga ở Trung Đông giống như chỉ mành treo chuông",Rybar viết.
Ngoài Tartus và Hmeymim,Nga còn xây dựng một số cơ sở quân sự khác tại Syria,trong đó có căn cứ đồn trú quy mô nhỏ hơn ở Manbij và Kobane,cùng hai sân bay ở miền trung nước này. Manbij từng là căn cứ của Mỹ,nhưng lực lượng Nga tiếp quản cơ sở này sau khi lính Mỹ rút đi năm 2019.
Còn căn cứ ở Kobane được Nga sử dụng để giám sát một thỏa thuận ngừng bắn giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập vài năm qua. Hãng thông tấn North Press của Syria cho biết lực lượng Nga đã rút khỏi cả hai căn cứ ở Manbij và Kobane.
Quân nhân Nga đứng gác trong sân bay Qameshli tại tây bắc Syria năm 2020. Ảnh: AFP
Fighter Bomber,tài khoản của một phi công tiêm kích Nga từng tham chiến tại Syria,cho biết Moskva chưa chính thức phát lệnh rút quân khỏi quốc gia Trung Đông,song các binh sĩ tại căn cứ Hmeymim đã bắt đầu đóng gói đồ đạc và tiêu hủy những tài liệu quan trọng.
"Rất có thể hiện diện quân sự kéo dài 9 năm qua của Nga tại Syria sẽ sớm kết thúc",trang tin quân sự Nga Top War nhận định.
Đây được coi là một bước lùi đáng kể đối với Nga,bởi Moskva đã đầu tư rất nhiều nguồn lực,tiền của để xây dựng hai căn cứ làm chỗ đứng chân chiến lược tại Trung Đông.
Dù vậy,Hussein Ibish,chuyên gia tại Viện nghiên cứu Các quốc gia Vùng Vịnh Arab có trụ sở tại Mỹ,cho rằng Nga vẫn có thể duy trì hiện diện quân sự tại Syria nếu chọn hợp tác với cộng đồng thiểu số Alawite tại tỉnh Latakia và Tartus,vốn được coi là thành trì của gia tộc Assad và nơi đặt hai căn cứ của Nga.
Xe tăng Nga duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại căn cứ Hmeymim tháng 5/2023. Ảnh: SANA
"Ngay cả khi Moskva không còn duy trì được ảnh hưởng và quyền lực ở Syria,họ vẫn có thể bảo vệ các tài sản quan trọng nhất thông qua hợp tác với vùng tự trị của người Aliwate,nếu cộng đồng này và tàn quân của chính quyền Assad hành động nhanh chóng để thành lập một khu vực như vậy",ông Ibish nhận định.
Dù vậy,kịch bản này vẫn chưa chắc chắn,do sự ủng hộ của cộng đồng Alawite dành cho ông Assad dường như không lớn như ước tính. Một số cuộc biểu tình đã bùng phát ở Latakia và Tartus sau khi chính quyền Assad sụp đổ.
Theo Reuters,nhiều người Alawite "không có lựa chọn nào khác" ngoài ủng hộ ông Assad trong giai đoạn đầu nội chiến,do lo sợ bị lực lượng chống chính phủ trả thù vì có cùng tôn giáo với Tổng thống Syria,chứ không phải tự nguyện.
Bởi vậy,cơ hội để Nga giữ được các căn cứ quân sự quan trọng tại Syria ngày càng trở nên mong manh,dù Điện Kremlin xác nhận họ đang liên lạc với các nhóm nổi dậy để thảo luận về điều này.
Ngay cả khi phe nổi dậy đồng ý để Nga tiếp tục hiện diện tại Syria,tính toán quyền lực của Moskva sẽ bị ảnh hưởng rất lớn,theo giới phân tích.
"Khi đó,Nga nhiều khả năng sẽ phải chơi theo luật mới của các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ,bên hậu thuẫn liên minh các nhóm nổi dậy lật đổ ông Assad",bình luận viên Dan White và Maxim Trudolyubov của Trung tâm Wilson,nhận định. "Điều đó sẽ làm suy giảm đáng kể vai trò của Nga trong khu vực".
Phạm Giang (Theo Reuters,Top War,Atlantic)