12-20
Lệch giờ làm việc 30 phút để chống kẹt xe ở Hà Nội
2024-12-02 HaiPress
Hà Nội mỗi giờ cao điểm giống như một cuộc đua chậm giữa biển người và xe cộ. Dòng phương tiện chen chúc trên các tuyến đường từ ngoại ô vào trung tâm,từ trung tâm tỏa ra các khu vực khác.
Với mật độ giao thông ngày càng tăng,việc tìm kiếm các giải pháp giảm tải áp lực lên hạ tầng giao thông trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó,một biện pháp khả thi và đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia là lệch giờ làm việc.
Tôi đề xuất chia giờ làm việc của Hà Nội thành hai khối chính,lệch nhau từ 30 đến 45 phút. Cụ thể,khối sản xuất như các nhà máy,xưởng có công nhân trực tiếp sản xuất có thể bắt đầu ngày làm việc từ 7h sáng đến 11h30 trưa,và chiều từ 13h đến 16h30. Trong khi đó,khối văn phòng như các cơ quan hành chính có thể làm việc từ 7h30 sáng đến 11h30 trưa,và chiều từ 13h đến 17h.
Điều chỉnh này nhằm giảm tải lượng phương tiện tập trung đồng loạt vào một khung giờ,vốn là nguyên nhân chính khiến các giao lộ,đặc biệt là khu vực trung tâm,trở nên tắc nghẽn nghiêm trọng. Khi hai nhóm đối tượng di chuyển vào những thời điểm khác nhau,áp lực lên hệ thống đường bộ sẽ được phân bổ đều hơn.
Nếu áp dụng phương án lệch giờ,tôi nghĩ điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe và năng suất làm việc. Các nghiên cứu cho thấy thời gian mắc kẹt trong giao thông không chỉ làm lãng phí năng lượng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Người lao động khi phải đối mặt với tắc đường kéo dài thường dễ mất đi sự tập trung,mệt mỏi trước khi bắt đầu công việc. Trong khi đó,khi được điều chỉnh giờ làm,thời gian di chuyển ngắn hơn sẽ giúp họ đến nơi làm việc trong trạng thái tốt hơn.
Thực tế,không phải công việc nào cũng có thể áp dụng phương án này. Tuy nhiên,với các ngành nghề như sản xuất,nơi có thể chủ động điều chỉnh giờ làm,hoặc khối văn phòng với lịch làm việc linh hoạt,thì biện pháp này theo tôi hoàn toàn khả thi.
Dĩ nhiên,để áp dụng thành công,Hà Nội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp,cơ quan hành chính cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo các khung giờ không chồng chéo. Đồng thời,cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu rõ lợi ích của việc thay đổi,từ đó tạo sự đồng thuận.
Phân bổ lại khung giờ làm không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề kẹt xe,nhưng nó có thể là một bước đi cần thiết trong ngắn hạn.
Duy Cường