01-22
Sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay người bán từ năm sau
2024-11-29 HaiPress
Với gần 93% đại biểu tán thành,chiều 29/11,Quốc hội biểu quyết thông qua một luật sửa 9 luật liên quan tới lĩnh vực tài chính.
Theo sửa đổi một số điều Luật Quản lý thuế,sàn thương mại điện tử,nền tảng số (trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác phải khấu trừ,nộp thuế thay và kê khai số thuế đã khấu trừ cho người bán trên các nền tảng này.
Trường hợp người bán không thuộc đối tượng được khấu trừ,nộp thuế thay,họ phải trực tiếp đăng ký,khai và nộp thuế. Hồ sơ,thủ tục,cách thức và trách nhiệm kê khai,nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử,nền tảng số sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Bên cạnh đó,các nhà cung cấp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử,nền tảng số (Facebook,Apple,Tiktok,Goolge...) phải trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký,khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Quốc hội biểu quyết thông qua một luật sửa 9 luật liên quan lĩnh vực tài chính,chiều 29/11. Ảnh: Media Quốc hội
Báo cáo giải trình tiếp thu,chỉnh lý dự thảo luật trước khi Quốc hội bấm nút thông qua,ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết một số ý kiến cho rằng việc bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" của các nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử,nền tảng số là chưa phù hợp.
Tuy nhiên,Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo luật - khẳng định việc bỏ cụm từ này là phù hợp xu hướng quốc tế,đảm bảo quản lý công bằng. Việc này tạo cơ sở,hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký,khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và chống thất thu thuế trên các sàn thương mại điện tử,nền tảng số.
Đây là điểm mới so với hiện nay,khi người bán trên sàn thương mại điện tử như Shopee,Lazada,Tiktok Shop... phải tự kê khai,nộp thuế và chịu trách nhiệm. Các sàn online chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook),Google,Netflix,Google... đã kê khai,nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành. Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành,các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng. Ngoài ra,số thuế do Việt Nam khấu trừ nộp thay nhà cung cấp từ khi vận hành cổng khoảng 4.050 tỷ đồng.
Với sàn thương mại điện tử trong nước,ngành thuế bắt đầu thu từ năm nay. Trong đó,riêng Hà Nội đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 11.
Luật vừa thông qua cũng bổ sung quy định về xử phạt hành chính với kiểm toán độc lập. Theo đó,tổ chức,cá nhân có hành vi vi phạm thì tuỳ tính chất,mức độ bị xử phạt hành chính,truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu biện pháp quản lý Nhà nước. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Mức phạt tiền tối đa với vi phạm của kiểm toán độc lập là 2 tỷ đồng với tổ chức,1 tỷ với cá nhân. Thời hiệu xử phạt hành chính là 5 năm. Chính phủ quy định chi tiết việc xử phạt này.
Thảo luận trước đó,Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ mức xử phạt hành chính,bảo đảm tính răn đe. Cũng có ý kiến đề nghị chỉ tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm,do nhu cầu nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận đây là mức phạt tiền tối đa,chỉ áp dụng với một số vi phạm nghiêm trọng chuẩn mức kiểm toán,chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan thường trực của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát,đánh giá tác động và có mức xử phạt với từng hành vi,khi xây dựng nghị định hướng dẫn.
Anh Minh