12-20
Tháo gỡ khó khăn các dự án BOT thua lỗ
2024-11-26 HaiPress
Quốc hội đang xem xét thông qua dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP,sửa đổi luật đã ban hành năm 2021.
Góp ý vào dự thảo,Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị bổ sung Điều khoản chuyển tiếp nội dung: Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT ký kết trước năm 2021 có thể được sử dụng vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn,hoặc sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ dự án trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện,tiêu chí dự án BOT được áp dụng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải,dự thảo Luật PPP (sửa đổi) đã bổ sung các quy định,đủ cơ sở để chấm dứt hợp đồng đối với dự án BOT giao thông. Tuy nhiên,giải pháp sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng chưa có quy định rõ ràng. "Nếu Quốc hội thông qua nội dung trên,các dự án BOT giao thông gặp vướng mắc sẽ có đủ cơ sở pháp lý để xử lý",Bộ đánh giá.
Hiện nay có 8 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý bị giảm doanh thu do thay đổi quy hoạch,người dân phản đối... gây thua lỗ,khó khăn cho các doanh nghiệp dự án trong nhiều năm qua.
Trạm BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên vẫn chưa được thu phí do người dân phản đối. Ảnh: Anh Duy
Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần kiến nghị xử lý các dự án này,trong đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sử dụng khoảng 10.650 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu,tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 để bù đắp cho các dự án. Nhà nước sẽ dùng ngân sách để hỗ trợ chấm dứt hợp đồng 5 dự án và dùng ngân sách hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3 dự án.
Các dự án BOT đề nghị được nhà nước hỗ trợ là BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình,Hà Nam 3 năm liền doanh thu chỉ đạt 15-19% so với hợp đồng; dự án cầu Việt Trì - Ba Vì 3 năm qua doanh thu chỉ đạt khoảng 30%; hầm đường bộ qua Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân). Trước đây,nhà nước cho phép thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan thay cho nguồn hỗ trợ của nhà nước,song sau đó nhà đầu tư không được thu phí.
Hai dự án đã hoàn thành song không được thu phí là cầu đường sắt Bình Lợi,cải tạo luồng sông Sài Gòn và đường vành đai phía tây TP Thanh Hóa thuộc dự án BOT xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa.
Hai dự án chỉ được thu phí một trạm (phương án ban đầu hai trạm) nên doanh thu sụt giảm là BOT nâng cấp,cải tạo quốc lộ 91,TP Cần Thơ và dự án tạo,nâng cấp quốc lộ 3 qua Thái Nguyên. Dự án nâng cấp,mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đăk Lăk bị sụt giảm doanh thu còn 36-43% so với hợp đồng do địa phương đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ.
Giai đoạn 2005-2020,trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn,các tuyến quốc lộ 1,đường Hồ Chí Minh hư hỏng,Bộ Giao thông Vận tải đã huy động khoảng 247.570 tỷ đồng để đầu tư 72 dự án hạ tầng theo phương thức PPP. Nguồn vốn chủ yếu do nhà đầu tư huy động,hoàn vốn thông qua nguồn thu phí,chưa có cơ chế nhà nước chia sẻ rủi ro về doanh thu.
Hợp đồng BOT tại các dự án hạ tầng giao thông đều quy định khi phát sinh sự kiện bất khả kháng,giảm doanh thu mà không phải do lỗi của nhà đầu tư thì cơ quan ký kết hợp đồng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Đoàn Loan