Người có bằng cấp vẫn dính bẫy 'việc nhẹ lương cao'

2024-10-29     HaiPress

Thông tin được đại tá Phạm Long Biên,Trưởng phòng Phòng chống mua bán người và Tội phạm ma túy,thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng,chia sẻ tại buổi công bố Hồ sơ di cư năm 2023 do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức.

Theo Hồ sơ di cư,sau năm 2022,nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số,khu vực biên giới giảm còn 15%,ngược lại người dân vùng đồng bằng,thậm chí thành phố lớn đang tăng. "Nhiều người có trình độ đại học vẫn mắc bẫy việc nhẹ lương cao chứ không riêng nhóm đời sống khó khăn",đại tá Biên cho hay.

Nạn nhân bị mua bán với mục đích cưỡng bức lao động gia tăng,chiếm khoảng 55% với số nam giới cao. Điểm đến thường là Campuchia,Lào,Myanmar... Trong khi giai đoạn trước tập trung vào phụ nữ và đưa sang Trung Quốc.

Nhóm người Việt tháo chạy được khỏi casino ở Campuchia được đưa về nước qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh),tháng 9/2022. Ảnh: Đình Văn

Quy mô lẫn thủ đoạn của tội phạm mua bán người đang thay đổi. Từ năm 2023,các tổ chức tạo thành đường dây chặt chẽ chiếm khoảng 92%,hoạt động đơn lẻ 8%. Trong khi trước đó tỷ lệ này lần lượt là 65% và 35%. Thay vì gặp mặt trực tiếp nạn nhân,chúng chuyển qua không gian mạng,gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong tìm kiếm chứng cứ.

Theo ông Biên,xu hướng này khiến các cơ quan quản lý phải thay đổi cách tuyên truyền cũng như hoạch định chính sách thời gian tới. Thay vì tập trung vùng sâu cần mở rộng ra cả đồng bằng,thành phố lớn,thậm chí cửa khẩu vì tội phạm có thể đưa nạn nhân đi bằng đường chính ngạch. 10 tháng đầu năm 2024,bộ đội biên phòng đã ngăn chặn 586 người xuất cảnh hợp pháp có dấu hiệu ra nước ngoài sẽ bị cưỡng ép lao động hoặc mua bán.

Số liệu từ Hồ sơ di cư 2023 cho thấy giai đoạn 2017-2023 nhà chức trách phát hiện 1.149 vụ mua bán người với 1.765 đối tượng,hơn 2.100 nạn nhân. Số vụ mua bán giảm hơn 43% so với giai đoạn 2010-2016 do ảnh hưởng đại dịch,song khi hoạt động kinh tế xã hội khôi phục bình thường,số vụ lại tăng lên.

Địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người giai đoạn này là tuyến biên giới Việt - Trung và các tỉnh Tây Nam Bộ. Đường dây khép kín được hình thành từ các mắt xích là người Việt ở sâu trong nội địa,khu vực biên giới,người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài.

Trên tuyến Việt - Trung,tội phạm thường lợi dụng mạng xã hội,tạo tài khoản ảo,lập ra hội nhóm như "tìm dâu cho người Trung Quốc" để lừa bán nạn nhân kết hôn trái phép,đưa phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán trẻ sơ sinh.

Tuyến Việt Nam - Lào,tội phạm tập trung tại Điện Biên,Sơn La,Thanh Hóa,Nghệ An,nhắm vào những cô gái mới lớn,kinh tế gia đình khó khăn để lừa bán sang Trung Quốc làm vợ hoặc đưa phụ nữ mang thai sinh con rồi bán trẻ.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia,nhóm người Việt Nam cấu kết với người nước ngoài lừa bán phụ nữ sang Campuchia mục đích chủ yếu là bóc lột tình dục,hoặc lừa phụ nữ Campuchia trung chuyển qua Việt Nam để bán sang Trung Quốc.

Hồng Chiêu

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.