12-27
Siết dùng điện thoại, học sinh vận động nhiều hơn
2024-10-17 HaiPress
Vài ngày qua,cô giáo chủ nhiệm của Phạm Thanh Ngân,lớp 11 ở quận Hà Đông,yêu cầu học sinh cất điện thoại vào hộp từ đầu giờ,tan học mới được lấy ra. Ngân cho hay trước đây cô chỉ nhắc,không chặt như vậy.
"Cô từng để học sinh tự giác nhưng nhiều bạn vẫn lén dùng trong lớp do thói quen. Giờ chúng em không được động đến điện thoại,ngay cả ra chơi",Ngân nói.
Minh Thư,học sinh lớp 11 ở quận Long Biên,thì đã quen với việc này cả năm nay,theo yêu cầu của trường.
Nữ sinh cho hay ngày học cấp hai,em vẫn mang theo điện thoại đến trường để liên lạc với bố mẹ và gọi xe. Trong giờ học,mỗi lần nghe tiếng rung,Thư lại tò mò,không biết ai nhắn. Mỗi khi gặp bài khó,em cũng nghĩ ngay đến "lấy điện thoại ra tra". Thư thừa nhận vì thế em không ít lần xao nhãng trong tiết học.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo,học sinh được dùng điện thoại trong giờ học nếu cần thiết và được giáo viên cho phép. Điều này đồng nghĩa các em vẫn được dùng vào giờ ra chơi hay nghỉ giữa các tiết.
Tuy nhiên,gần đây,ngày càng nhiều trường siết chặt việc này. Cuối tuần trước,Hà Nội khuyến cáo trường học toàn thành phố quản lý điện thoại của học sinh trước tiết học đầu tiên,chỉ trả lại sau giờ tan học.
Các giáo viên nói nhận thấy sự tích cực,học sinh tập trung hơn vào học tập,xuống sân chơi và giao lưu nhiều hơn,trong khi trước đây hầu hết "dán mắt" vào màn hình điện thoại.
Học sinh lớp 10 D3,trường THPT Lê Quý Đôn,quận Hà Đông,cất điện thoại vào hộp trước khi vào học. Ảnh: Phạm Hà Thanh
Cô Phạm Hà Thanh,chủ nhiệm lớp 10 D3,cho biết trước đây trường thường xuyên nhắc nhở học sinh hạn chế dùng điện thoại,nhưng "chưa triệt để".
Cô kể giờ ra chơi,có em xin lấy máy ra để tra tài liệu,xong sau đó lại nấn ná dùng thêm. Có em thấy thầy cô quản lý không chặt nên vẫn dùng điện thoại làm việc riêng trong lớp.
"Nhìn chung,các học sinh trong lớp ít giao lưu,nhiều em cả năm không nói chuyện với bạn",cô Thanh kể. Sau yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội,cán sự các lớp được giao thu điện thoại vào đầu giờ,kiểm đếm và ghi vào sổ.
Tại trường THCS Nguyễn Du,quận Nam Từ Liêm,việc thu điện thoại của học sinh trong suốt thời gian ở trường đã được áp dụng ba năm nay. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lý,sau Covid-19,trường nhận thấy nhiều học sinh gặp các vấn đề về tâm lý do sử dụng thiết bị điện tử kéo dài,ít giao tiếp. Để các em kết nối nhiều hơn với bạn bè,tăng tập trung trong các tiết học,trường đã lập quy định về sử dụng điện thoại.
Nếu học sinh muốn mang các thiết bị điện tử tới trường,phụ huynh phải đăng ký. Trường sẽ quản lý điện thoại của các em từ tiết 1,bắt đầu lúc 7h15,tới khi ra về vào 17h. Khi có việc gấp cần liên lạc,các em và người nhà sẽ dùng điện thoại ở phòng bảo vệ hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm.
Với những tiết học cho phép học sinh dùng điện thoại,giáo viên cũng phải đăng ký trước với nhà trường. Vào đúng tiết học đó,thầy cô sẽ lấy điện thoại trả cho các em.
Ở trường THPT Xuân Phương cũng tương tự. Trừ tiết học được giáo viên cho phép,học sinh không được dùng thiết bị điện tử trong suốt thời gian ở trường. Hiệu trưởng Trần Trọng Hà cho biết nếu phát hiện vi phạm,chẳng hạn có em cố tình không nộp điện thoại hoặc sắm hai chiếc,trường sẽ thu giữ tới cuối học kỳ mới giao cho phụ huynh; đồng thời hạ hạnh kiểm trong tháng. Nếu vi phạm 2-3 lần,học sinh bị xem xét hạ hạnh kiểm cả học kỳ.
Cùng đó,trường có kênh điện thoại để học sinh và phụ huynh liên lạc những lúc cấp bách.
Năm 2023,Tổ chức Giáo dục,Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường,nhằm giảm gián đoạn giờ học,nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.
Một khảo sát về an toàn trên mạng của Google trước đó cho thấy độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9,sớm hơn 4 năm so với thế giới. Những rủi ro mà các em có thể gặp trên mạng gồm tin giả,tin kích động,bạo lực,những video,hình ảnh không phù hợp,hay bị phát tán thông tin,bị lôi kéo tham gia nội dung không lành mạnh.
Theo cô Thanh ở Hà Đông,thay đổi rõ nét nhất mà cô nhìn thấy là vào giờ giải lao,học sinh ra khỏi phòng điều hòa để xuống sân chơi. Các bạn nam chơi bóng rổ hoặc chơi đá cầu,trong khi các nữ sinh trò chuyện,hỏi han nhau.
"Tôi đứng trên tầng hai nhìn xuống thấy học trò đông vui như ngày xưa. Như thế mới đúng như một ngôi trường",cô Thanh nói.
Ngoài ra,giờ học Toán cũng sôi nổi hơn. Cô kể trước đây,nhiều em thường vào mạng để tra đáp án,tìm cách giải,nhưng giờ ngồi thảo luận với nhau. Dù chưa tìm ra được ngay kết quả,cô nhìn nhận việc này giúp học sinh động não và chủ động hơn trong học tập.
Cô Lý ở trường THCS Nguyễn Du đồng quan điểm.
"Trong giờ,các em tập trung vào bài giảng; giờ ra chơi thì hoạt động thể chất,vận động,tốt cho cả giao tiếp và sức khỏe",cô Lý cho hay.
Học sinh trường THCS Nguyễn Du,trong một giờ đọc sách ở thư viện. Ảnh: Fanpage nhà trường
Quy định mới của các trường cũng được phụ huynh ủng hộ. Chị Nguyễn Linh,trú quận Cầu Giấy,có con học lớp 11,thấy mừng vì trường thu điện thoại cả buổi. Nếu mắc lỗi lần một,học sinh bị lập biên bản,giữ máy trong 30 ngày. Tái phạm,các em bị giữ điện thoại đến hết năm học và hạ hạnh kiểm.
"Con gái tôi dùng máy nhiều,toàn vào mạng xã hội,quay Tiktok hay chat. Nếu cấm đoán thì cháu khó chịu,không khí gia đình nặng nề",chị Linh kể. "Thế nên,tôi và các phụ huynh trong lớp hoàn toàn ủng hộ quy định của trường,thậm chí mong trường làm chặt hơn nữa".
Ngân mới đầu cũng thấy bức bối,nhưng đang dần quen với việc không có điện thoại vào giờ ra chơi. Những lúc này,em và các bạn nói chuyện,bàn luận về các chủ đề quan tâm.
Còn Thư thấy cách làm của trường có lợi và nên duy trì. "Vì giờ em tập trung vào học hơn",Thư nói.
Bình Minh - Thanh Hằng