01-15
Hằng Nga trong tranh Đường Bá Hổ
2024-09-15 HaiPress
Họa sĩ thời Minh Đường Bá Hổ để lại bức tranh tiên nữ Hằng Nga dịu dàng,mơ về chàng trai tài hoa. Theo trang Youth,giới nghiên cứu chưa xác định được tranh ra đời trong giai đoạn nào của danh họa,song thể hiện được niềm mơ tưởng của ông về cuộc đời.
Bức "Hằng Nga cầm cành quế",hiện được lưu giữ ở Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan,Mỹ. Ảnh: The Paper
Tác phẩm khắc họa nhân vật Hằng Nga mặc xiêm y bay bổng,gương mặt toát vẻ dịu hiền,tay nàng cầm nhành hoa quế. Hàng lông mày nhân vật được tô mỏng,các đường nét trên trang phục mềm mại,tạo cảm giác bay bổng.
Đường Bá Hổ điền bài thơ lên tranh,ý thơ miêu tả khung cảnh thần tiên trên cung trăng,tiên nữ Hằng Nga yêu chàng trai tài hoa,bẻ cành quế trên cành cao nhất. Theo Sohu,thời Minh,hình tượng bẻ cành quế thể hiện mơ ước đỗ khoa cử,ra làm quan,cống hiến của thư sinh. Hằng Nga ôm cành quế,gương mặt sáng bừng,như thể hiện niềm vui người trong mộng công thành danh toại.
Nét mặt Hằng Nga trong tranh Đường Bá Hổ.
Đường Bá Hổ từng nếm trải niềm vui đỗ đạt của sĩ tử,nhưng sau đó gặp nhiều lận đận. Ông sinh năm 1470 vào giờ,ngày,tháng Dần nên được đặt tên Đường Dần,tự Bá Hổ. Cha Đường Bá Hổ kinh doanh,hy vọng con theo đường thư hương nên từ nhỏ,người cha mời thầy về dạy học cho con trai. Năm 16 tuổi,Đường Bá Hổ đỗ thủ khoa tú tài.
Giai đoạn này,Bá Hổ sống ung dung tự tại,bạn bè xung quanh đều là những người tài hoa,thường gặp nhau làm thơ,vẽ tranh. Biến cố ập vào cuộc đời khi Đường Bá Hổ 24 tuổi,cha qua đời,con trai chết sớm,năm sau mẹ của ông cũng qua đời. Em gái của Đường Bá Hổ tự tử khi mới kết hôn. Cả gia đình chỉ còn lại ông và em trai Đường Thân.
Chán chường,Đường Bá Hổ lao vào rượu chè,thường đến lầu xanh mua vui. Được bạn bè khuyên nhủ,năm 1498,Đường Bá Hổ tham gia khoa cử,vượt qua các vòng ở địa phương và vào danh sách vào kinh ứng thí. Năm 1499,Đường Bá Hổ và người bạn tên Từ Kinh nộp tiền,học ở lớp của Trình Mẫn Chính - học giả uyên bác đồng thời là quan triều đình. Một thời gian sau,Trình Mẫn Chính được bổ nhiệm làm một trong chủ khảo của kỳ thi,phụ trách ra đề.
Chân dung Đường Bá Hổ của họa sĩ thời Thanh Lý Nhạc Vân. Ảnh: Xinhua
Kết quả,cả Đường Bá Hổ và Từ Kinh đều không có tên trên bảng vàng. Họ còn bị tố cáo gian lận thi cử,mua đề thi từ Trình Mẫn Chính. Cả ba bị tống giam. Từ Kinh nhiều lần thay đổi lời khai. Có lần,ông nói đút lót cho người hầu của Trình Mẫn Chính,nhờ đó có được đề thi,sau đó nhờ Đường Bá Hổ giải đề. Lần khác,Từ Kinh lại khai do bị nhục hình nên nhận tội đút lót,sự thật là ông và Đường Bá Hổ chỉ nhận Trình Mẫn Chính làm sư phụ,quá trình học,Trình Mẫn Chính từng giảng các đề tài khó,sau này một số nội dung ông giảng trở thành đề thi.
Vụ án do đích thân vua Minh Hiếu Tông xử lý. Quá trình điều tra,một số người bị xác định vu cáo để hãm hại Trình Mẫn Chính. Tuy vậy,ông vẫn bị kết tội ra đề thi không công bằng. Sau hơn một năm ngồi tù,Từ Kinh,Đường Bá Hổ và Trình Mẫn Chính đều được thả. Trình Mẫn Chính chết sau bốn ngày ra tù còn Từ Kinh,Đường Bá Hổ bị phạt vĩnh viễn không được tham gia khoa cử,dập tắt hy vọng làm quan của hai người.
Đường Bá Hổ thoát tội đút lót mua đề thi nhưng không tránh khỏi thanh danh hoen ố. Cảm thấy không còn mặt mũi về nhà,năm 31 tuổi,ông bắt đầu cuộc sống phiêu dạt,du sơn ngoạn thủy tiêu khiển qua ngày. Sau hơn một năm tha hương,Đường Bá Hổ cạn kiệt tiền bạc,buộc về cố hương. Về nhà,người vợ thứ hai chê ông nghèo hèn,vì thế họ chia đôi đường.
Năm 35 tuổi,Đường Bá Hổ gặp Thẩm Cửu Nương - kỹ nữ ở lầu xanh. Nàng giỏi thi họa,trân trọng tài năng của Đường Bá Hổ. Gặp được hồng nhan tri kỷ,ông tu chí làm lại từ đầu. Hai người dựng căn nhà,đặt tên là Đào Hoa Am. Đường Bá Hổ kiếm tiền nhờ bán tranh,thư pháp. Ông không còn coi trọng khoa cử,quyền thế và danh vọng,nhiều lần thể hiện sự chống đối thời cuộc,châm biếm xã hội qua các bài thơ,tranh vẽ. Năm 1512,Thẩm Cửu Nương qua đời do lao lực,bệnh tật. Từ đó,Đường Bá Hổ không nạp thê thiếp. Cuối đời,ông sống trong cảnh nghèo túng,qua đời năm 1524.
Đường Bá Hổ để lại những tác phẩm văn học,hội họa giá trị nghệ thuật cao,được trưng bày ở các bảo tàng trên thế giới. Một số tác phẩm từng xuất hiện trên thị trường đấu giá. Theo The Paper,năm 2021,tác phẩm thư pháp gồm 178 chữ của ông được bán với giá 57,5 triệu nhân dân tệ (hơn chín triệu USD). Năm 2017,tranh Nguyệt Tuyền đạt 92 triệu nhân dân tệ (13,7 triệu USD).
Nghinh Xuân