12-20
Alain Delon - 'thiên thần băng giá'
2024-08-19 HaiPress
Sau khi nghệ sĩ 89 tuổi qua đời tại nhà riêng ở xã Douchy (Pháp),nhiều người bày tỏ lòng thương tiếc,trong đó có tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Macron viết trên mạng xã hội X: "U sầu,nổi tiếng,bí ẩn,Delon không chỉ là một ngôi sao,ông là tượng đài nước Pháp".
Một số vai diễn của Alain Delon
Nét đẹp được ví như thiên thần của tài tử Alain Delon. Video: TikTok fashiontimelessness
Suốt hơn 60 năm sự nghiệp,nghệ sĩ Alain Delon ghi dấu ấn diễn xuất trong nhiều tác phẩm kinh điển. Theo France24,khác với các diễn viên được đào tạo bài bản,Alain Delon được coi là thiên tài. Tài tử luôn tự hào vì chưa bao giờ rèn luyện kỹ thuật mà chủ yếu dựa vào vẻ ngoài nam tính và phong thái dịu dàng. Ông linh hoạt biến hóa các vai lãng tử,đào hoa đến sát thủ máu mặt,từ đó khắc họa đa chiều số phận con người.
Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp Jack Lang nhận định nghệ sĩ mê hoặc nhiều thế hệ khán giả vì có "gương mặt đẹp nhất nền điện ảnh Pháp". Trang Guardian cho rằng ánh mắt lạnh lùng của tài tử là lý do khán giả gọi ông là "thiên thần băng giá". "Khi trẻ,gương mặt đẹp trai nhưng vô cảm của ông như một trang giấy trắng mà dường như có thể viết lên bất kỳ cảm xúc nào",trang này viết.
Sau khi nổi tiếng với các dự án đầu tay những năm 1960-1970,tài tử được một số đạo diễn hàng đầu thế giới tìm đến như Luchino Visconti,Joseph Losey,Jean-Pierre Melville và Michelangelo Antonioni.
Alain Delon trong vai sát nhân,phim "Le Samouraï" năm 1967. Ảnh: Filmel
Năm 1960,vai diễn trong tác phẩm Purple Noon giúp nghệ sĩ trở thành ngôi sao sáng trong làng điện ảnh Pháp. Nội dung dựa trên các cuốn tiểu thuyết tội phạm hình sự của nhà văn Mỹ Patricia Highsmith. Diễn viên vào vai Tom Ripley - kẻ có khả năng đóng giả người khác. Nhân vật giết một doanh nhân giàu có và sống thay cuộc sống của người đó. Khi bị cảnh sát phát hiện,anh tự tử và để lại hết tài sản cho người tình. New York Times nhận xét vai diễn "cảm động và thể hiện được những biểu cảm mãnh liệt".
Trailer 'Purple Noon'
Trailer "Purple Noon",tên tiếng Pháp là "Plein Soleil". Video: StudioCanal
Cũng vào năm 1960,nhà làm phim người Italy Luchino Visconti giao cho ông vai trong Rocco and His Brothers (1961),tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội về những gian khổ của một gia đình đến từ miền nam Italy,cố gắng tìm đường đến miền bắc để bắt đầu cuộc sống mới. Diễn viên thủ vai Rocco,bảo vệ gia đình bằng cách đánh đổi hạnh phúc của bản thân. Nhân vật bao che cho hành vi trộm cắp của người anh,ký hợp đồng quyền Anh thời hạn 10 năm để trả nợ thay anh mình. Tác phẩm giành Giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo tại Liên hoan phim Venice.
Hai năm sau,đạo diễn người Italy Michelangelo Antonioni chỉ đạo ông trong Eclipse (1962). Diễn viên vào vai nhà môi giới chứng khoán trẻ tên Piero cuốn vào tình yêu với Vittoria (Monica Vitti). Phim giành Giải thưởng của ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes.
Diễn xuất của Alain Delon vươn lên tầm cao mới khi tham gia Le Samouraï (1967) của đạo diễn Jean-Pierre Melville. Ông thủ vai Jeff Costello,sát thủ chuyên nghiệp sống cô độc và tuân thủ quy tắc riêng của mình. Thành công của tác phẩm khởi đầu cho loạt phim tội phạm của Pháp như The Sicilian Clan (1969) và The Red Circle (1970).
Trailer 'Le Samouraï' (1967)
Trailer "Le Samouraï" (1967). Video: Janus Films
France24 nhận định vai Jeff Costello đặt ra khuôn mẫu cho nhân vật sát thủ bí ẩn,thông minh,vốn được khán giả Hollywood yêu thích. Theo Guardian,ngoài vẻ đẹp trai,Delon phản ánh sự quyến rũ lẫn lạnh lùng. Trên tờ Le Figaro,nhà phê bình Bertrand Guyard nói ánh mắt của ông "đầy ẩn ý,đủ để khiến máy quay rung chuyển".
Trái ngược sự hào nhoáng mà danh tiếng mang lại,tài tử sống cô độc,khao khát tình thương từ cha mẹ. Nghệ sĩ là con trai của bà Edith và ông Fabien Delon. Họ ly hôn khi Alain Delon bốn tuổi. Cả hai sau đó đều cưới người khác,còn diễn viên được giao cho một gia đình nuôi dưỡng. Theo trang Le Point,ký ức này là vết thương thuở ấu thơ không bao giờ lành với ông.
Khi cha mẹ nuôi qua đời,Delon được gửi về với cha mẹ ruột,nhưng họ không quan tâm ông mà chỉ dành thời gian chăm sóc gia đình riêng. Ông trở nên ngang bướng,đánh nhau với những đứa trẻ khác,bị đuổi học đến sáu lần,thậm chí lấy trộm xe máy của hiệu trưởng. Đến năm 13 tuổi,diễn viên vào Học viện Saint Nicolas d'Igny,có cơ hội vào vai tên côn đồ trong một bộ phim câm.
Một năm sau,ông quyết định bỏ học,rời Pháp để đến Chicago (Mỹ) với người bạn Daniel Salwadet. Nhưng khi đến xã Châtellerault (Pháp),người dân đưa cả hai đến đồn cảnh sát địa phương,sau đó họ được trả về cho gia đình. Ông từng làm việc tại lò mổ gia súc của cha dượng rồi gia nhập hải quân và tham chiến tại khu vực Đông Dương vì không hòa nhập được với gia đình mới của mẹ. Tuy nhiên,do vô kỷ luật trong quân đội,Alain Delon bị chính phủ bỏ tù một năm và bị đuổi khỏi quân ngũ vào năm 1956.
Trong một bài phỏng vấn năm 1996,khi MC Bernard Pivot hỏi: "Nếu Chúa tồn tại,bạn muốn nghe Người nói gì với bạn sau khi bạn chết?",diễn viên không do dự,trả lời: "Vì đây là điều hối tiếc lớn nhất của anh,nên tôi sẽ đưa anh đến gặp cha mẹ,để lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng,anh có thể nhìn thấy họ bên nhau".
Tờ Le Monde nhận định tuổi thơ nhiều biến động khiến nghệ sĩ không thể kết nối với các con sau này. Khi Delon già yếu,ba người con tranh giành điền trang của diễn viên ở làng Douchy,gây nhiều kiện cáo. Delon nghiêm khắc với hai con trai nhưng lại đối xử dịu dàng,cưng chiều con gái. Trong di chúc,tài tử để lại một nửa tài sản cho con gái Anouchka,nửa còn lại chia cho con trai Anthony và Alain-Fabien.
Diễn viên Alain Delon và các con. Ảnh: Paris Match
Mặt khác,vào những năm cuối đời,tài tử thường nói về mặt trái của ngành công nghiệp điện ảnh,cho biết tiền bạc đã giết chết giấc mơ của ông. "Điện ảnh của tôi đã chết. Và tôi cũng vậy",ông viết trong ấn bản của tạp chí Le Nouvel Observateur năm 2003.
Năm 1997,ông Delon tuyên bố giải nghệ nhưng trở lại vào năm 2008 trong phim Asterix at the Olympic Games,khi ngoài 70 tuổi. Năm 2017,tài tử nói với AFP sẽ thực hiện thêm một vai diễn rồi giải nghệ. Tuy nhiên,bộ phim đó đến nay vẫn chưa được bấm máy. Lần đóng phim gần nhất của ông là vai khách mời trong S Novym godom,mamy (2012) của đạo diễn Nga Artyom Aksenenko.
Ông từng làm giám khảo cuộc thi Hoa hậu Pháp nhưng nghỉ vào năm 2013 sau khi có nhiều phát biểu gây tranh cãi về việc chỉ trích phụ nữ,kỳ thị cộng đồng LGBTQ+ và người di cư. Bất chấp sự phản đối từ khán giả,ông nhận giải Cành Cọ Vàng danh dự dành cho nghệ sĩ có đóng góp tích cực cho điện ảnh,tại Liên hoan phim Cannes 2019. Trên sân khấu,diễn viên nói: "Điều duy nhất khiến tôi tự hào là sự nghiệp của tôi".
Quế Chi (theo Guardian,France24,EuroNews)